“Dù ai đi ngược về xuôi-Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình”, đó là câu ca dao ở Huế nhắc nhở mọi người hãy quay về làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm để xem hội vật ngay giữa sân đình.
Tương truyền, hội vật làng Sình (tên Nôm của làng Lại Ân) xuất hiện cách đây đã gần 500 năm, và được xem như hội võ lớn nhất và cổ xưa nhất ở xứ Đàng Trong. Hội vật làng Sình mang tính truyền thống, là nét đẹp tinh hoa võ luyện của mảnh đất xứ kinh kỳ Cố đô và được lưu truyền hàng trăm năm qua cho đến hôm nay. Chuyện kể rằng, vào thời Trần-Hồ, thành Hóa Châu là lỵ sở phương Nam nước Đại Việt, được xây dựng trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ thuỷ lộ huyết mạch mà vùng Thanh Phước, Sình chính là cửa ngõ. Để huấn luyện binh sĩ, vật võ là môn thể thao được ưa chuộng.
Trai làng Sình tích cực tham gia và dần dần trở thành một phong trào được tổ chức hàng năm để rèn luyện sức khoẻ trong lao động và bảo vệ quê hương. Đến thời Nguyễn, nhờ có vị trí đặc biệt quan trọng trên các tuyến thuỷ lộ huyết mạch mà ngã ba Sình được triều đình chú trọng đầu tư xây dựng thành nơi diễn tập thủy quân. Với phương châm lấy việc rèn luyện sức khoẻ làm đầu, Nhà nước phong kiến khuyến khích quân lính tổ chức vật võ, về sau ấn định ngày mồng 10 tháng Giêng làm ngày hội thao, tổ chức tại làng Sình. Vật võ đã trở thành mạch sống văn hóa của làng Sình và còn có ý nghĩa để cầu an.
Xứ Huế xưa vốn là đất kinh kỳ nên thường có nhiều bậc kì tài về võ học. Để tránh sự sát phạt và đề cao tinh thần thượng võ trong khi thi đấu, lệ làng Sình xưa quy định rõ, các đô vật khi thi đấu không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt...
Các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với các đòn đánh sao cho làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng". Hội vật xuân Qúy Tỵ 2013 đã thu hút 132 đô vật mạnh đến tham gia. Nét độc đáo của hội vật làng Sinh là các đô vật lên sới đấu không nhất thiết phải là người địa phương và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Ngoài việc nhận cờ, huy chương và tiền thưởng, các đô vật đoạt giải nhất được nhận mâm cau, trầu, rượu của Hội Bồi dâng làng cúng trong buổi lễ tế ngày hôm trước. Hội vật còn trao giải thưởng nhân cách và đạo đức cho các đô vật có tinh thần thi đấu đẹp.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét